Kỹ năng ứng xử của cha mẹ khi con cãi hỗn

 


Khi cha mẹ đặt ra yêu cầu và con bắt đầu có những lí sự, phản kháng bằng lời nói, cha mẹ thường cảm thấy khó chịu, tức giận vì cảm thấy bị xúc phạm. Từ đó, dẫn đến những cuộc khẩu chiến giữa cha mẹ và con cái. Điều này hoàn toản không tốt và ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ và tình cảm gia đình. Vì vậy, cha mẹ nên xử lý những tình huống này như thế nào? Cha mẹ hãy cùng tham khảo một số phương pháp dưới đây khi con cãi lời hiệu quả nhất.

1. Cố gắng bình tĩnh, tránh phản ứng cùng tông giọng trẻ đã nói

Cách khiến được mình bình tĩnh, không gì khác là hít một hơi thật sâu và thở ra thật dài. Cho dù rất muốn, lúc ấy, bạn chớ phản ứng ngay lập tức. Vì lời con trẻ khi bướng lên sẽ gây cảm giác thật khó chịu, và bạn có thể phản ứng nhanh một cách tiêu cực. Lúc này, bạn có thể lờ đi. Nhưng chỉ với nghĩa là "tạm thời để đấy, tính sau"

Cha mẹ nên dùng các từ ngữ nhẹ nhàng để đáp lại con, tránh nóng giận và dùng những lời lẽ chất vấn, tra hỏi, áp đặt và công kích khiến trẻ.

Không tranh luận sâu về những yêu cầu với con mà chỉ đặt ra các câu ngắn gọn: Cha mẹ không muốn gì? Nhưng hy vọng gì? Khi nào? Và nếu không được thì sẽ ra sao?

2. Khích lệ trẻ bộc lộ hết cảm xúc

Khi trẻ cãi lại sẽ đưa ra rất nhiều lý lẽ, chúng ta lớn tiếng quát mắng sẽ chặt đứt lối thoát dòng cảm xúc Catharsis của trẻ. Từ biểu hiện bề ngoài, có lẽ do trẻ yếu thế nên tỏ vẻ phục tùng, nhưng trong tâm có thể vẫn rất ấm ức, bắt đầu tránh xa cha mẹ.

Phụ huynh nên nhẫn nại, lắng nghe lời con trẻ, khích lệ trẻ nói hết những điều mà con đang nghĩ. Như vậy khiến trẻ cảm thấy cha mẹ đang tôn trọng con, đây là điều cốt yếu để giúp trẻ và cha mẹ đạt được sự đồng thuận quan điểm.

3. Nhận định nguyên nhân và cùng phân tích

Cha mẹ cần biết chính xác nguyên nhân vì sao con lại cãi lại cha mẹ. Tranh luận, cãi lại, kỳ thực thường thường cũng chưa hẳn là điều mà đứa trẻ biểu đạt ra một cách chân thật từ nội tâm. Có thể trẻ ở lớp đã có va chạm với bạn học, nên trong lòng buồn rầu mà về nhà trút lên cha mẹ. Điều này chỉ là vì, đối với cảm nhận của con cái thì cha mẹ luôn là nơi an toàn nhất để trút bỏ. Cũng có lúc, trẻ vì áp lực học quá lớn mà sinh ra việc này.

Khi hiện tượng này xảy ra, cha mẹ trước tiên nên phải bình tĩnh, hỏi xem con có vấn đề ở đâu bằng những câu như: “Hôm nay ở trường có phải con đã gặp chuyện gì không vui phải không?” hay “Theo con thì mẹ đã nói gì sai sao?”

Ngược lại, nếu quả thực bạn cảm thấy mình đã đối xử với con vô lý, quát con không có cơ sở... thì cũng hãy nhìn nhận một cách công bằng. Trẻ con nhạy cảm với sự công bằng và cũng chỉ trên cơ sở công bằng, dân chủ trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, bạn mới tạo được sự "tâm phục khẩu phục" ở con.

4. Làm gương cho con:

Cha mẹ cần làm tấm gương tốt cho con, lấy bản thân mình làm mẫu mực. Nếu muốn con đi ngủ sớm thì bản thân phải tắt TV, tắt điện thoại; muốn con không kén ăn thì mình cũng không được kén ăn; muốn con không nói bậy thì mình cũng không được chửi thề nói tục.

5. Đưa ra các quy ước, nguyên tắc, giới hạn trong việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái để tránh xung đột.

Cha mẹ và con có thể cùng quy ước. Nếu cha mẹ quá nóng tính rồi, thì con nói gì để cha mẹ nhận ra và dừng lại, đồng thời nếu con cái đang đi quá giới hạn cho phép, cha mẹ cần nhắc nhở để chấm dứt ngay. Việc đưa ra nguyên tắc này cần có sự hưởng ứng và thực hiện từ 2 phía. Cha mẹ không nên áp đặt con trong tất cả các tình huống.

6. Không áp đặt

Khi bé con bắt đầu "cãi lại" bố mẹ, đó không chỉ là dấu hiệu "bướng" hay "hư" như các bậc phụ huynh thường nghĩ, mà còn là dấu hiệu của sự trưởng thành. Bé con của bạn bắt đầu biết suy nghĩ độc lập, biết liên kết những điều bố mẹ nói, những nguyên tắc bố mẹ đặt ra với hiện thực, biết bắt chước các bạn, biết đòi hỏi những điều "đúng, sai" một cách rõ ràng, cứng nhắc, và logic. Vậy, thay vì bực bội, điên tiết lên, bạn hãy... lấy làm vui mừng. Và từ đó, hãy cẩn trọng hơn trong lời ăn tiếng nói, hãy chú ý sao cho lời nói và việc làm của bạn "khớp" với nhau.

Muốn con ít có "điều kiện" cãi bướng, việc quan trọng nhất là bố mẹ điều chỉnh hành vi đối xử của mình với con. Không quát nạt, áp đặt, bắt chúng phải coi ý kiến của bố mẹ là nhất, là bất khả... cãi lại. Hãy cho bé con có được "quyền tham gia".

7. Cổ vũ, khen ngợi đúng lúc

Khen ngợi trẻ sẽ khiến trẻ thấy rằng mình đã có thay đổi tốt trong mắt của cha mẹ. Khi trẻ tôn kính người khác, cha mẹ nhất định phải không được quên khen ngợi trẻ.

Có thể nói: “Con trả lời mẹ vừa ngoan ngoãn lại không la hét to như thế khiến mẹ rất vui. Con làm việc ấy thật sự rất tốt!” hay “Cách trả lời của con rất tốt, mẹ rất vui!” 

Một lời khen ngợi đúng lúc của cha mẹ sẽ khiến tinh thần trẻ phấn khởi, vui sướng. Đồng thời cũng khiến trẻ hiểu ra rằng, cha mẹ không chỉ có nhìn vào điểm xấu của mình mà nhìn cả vào điểm tốt của mình, sự thay đổi của mình đều được cha mẹ theo dõi để ý đến.

Chúng ta khích lệ trẻ tranh luận một cách văn minh, nhưng mục đích của chúng ta không phải là để đả kích trẻ, khiến trẻ cảm thấy ấm ức, điều chúng ta cần làm là đứng cùng với trẻ, giúp trẻ ổn định trên con đường trưởng thành.

“Thấu hiểu” là chìa khóa để chúng ta nhìn nhận dưới góc độ của trẻ cũng giống như khi chúng ta con bé, chúng ta hi vọng cha mẹ có thể thấu hiểu mình. Trò chuyện nhiều hơn chính là con đường duy nhất để hiểu nhau hơn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét