Cha mẹ làm gì khi trẻ nói dối?

 


Tôi là một người mẹ nuôi dạy con theo chủ nghĩa trung thực, khi đứa con gái 3,5 tuổi của tôi bắt đầu có những biểu hiện sợ sai, che chắn để giấu lỗi là lúc tôi nói chuyện với chồng nên nhìn nhận lại bản thân bố mẹ đang như thế nào khiến con có tâm lý như vậy? Với mỗi vấn đề của con, vợ chồng tôi đều chia sẻ với phương châm “Nhìn cây sửa đất – nhìn con sửa mình”. Vậy trẻ nói dối là gì? Tại sao trẻ lại nói dối, ngày hôm nay tôi sẽ chia sẻ với các bạn nhé!

1.Trẻ nói dối là gì?

Nói dối là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em, tùy vào từng độ tuổi và mức độ và mục đích nói dối ở trẻ là khác nhau. Trẻ nói không đúng sự thật và sự việc được lặp đi lặp lại khá nhiều lần. Điều này vô tình đã trở thành thói quen và tạo nên tính cách cho trẻ, nếu bố mẹ phát hiện và không khắc phục triệt để sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ.


2. Nguyên nhân trẻ nói dối

- Trẻ quen và thích được khen ngợi nên đã nói dối bản thân đã làm được việc tốt, được điểm cao -> Điều này xuất phát từ tâm lý và sự kỳ vọng của bố mẹ lên trẻ, khiến trẻ bị áp lực về việc học, về hình ảnh bản thân và sinh ra nói dối mà chưa nhận biết được hậu quả của vấn đề.

- Trẻ nói dối có thể là do trẻ sợ bị đánh, mắng, phê bình. Khi trẻ làm sai một việc thì luôn tìm cách che giấu nó bằng lời nói và hành động. Con trẻ của chúng ta còn non nớt lắm, chưa phân biệt được rõ ràng đúng – sai, nên – không nên trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu các cha mẹ không phát hiện kịp thời và có phương pháp điều chỉnh hợp lý sẽ là mối nguy hiểm cho tương lai của trẻ, trẻ sẽ phát triển lệch lạc về nhận thức và tư duy cho đến khi con trưởng thành. Điều này sẽ là một trong những nhân tố tác động đến hành vi xấu khi trẻ trưởng thành.

- Do ảnh hưởng từ môi trường sống, đặc biệt là môi trường gia đình. Nếu bố mẹ có thói quen nói không đúng sự thật, trẻ sẽ quan sát và ứng dụng với bản thân. Vì bố mẹ là hình mẫu trẻ tương tác và tiếp cận hàng ngày. Trẻ sẽ bắt chước một cách tự nhiên với các hành vi của bố mẹ (bao gồm tốt và xấu) do trẻ chưa có sự chọn lọc và phân biệt đúng – sai rõ ràng

- Trẻ gây sự chú ý và tự tưởng tượng ra theo suy nghĩ của bản thân.

3. Bố mẹ làm gì khi phát hiện trẻ nói dối

- Hãy thật bình tĩnh để giải quyết vấn đề: Chắc chắn rằng các bố mẹ khi thấy con nói dối, nói sai đi sự thật, bố mẹ thường phản ứng gay gắt với lỗi sai của trẻ. Nếu với lỗi lớn, trẻ có thể sẽ bị ăn mắng, đòn roi miễn phí. Kỹ năng ứng xử của bố mẹ trong trường hợp này là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp này, bố mẹ cần bình tĩnh đặt ra các câu hỏi cho con trả lời:

Tại sao trẻ lại làm như vậy? Cho trẻ chia sẻ nguyên nhân dẫn đến việc con nói dối. Bố mẹ cần tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân của vấn đề (nguyên nhân xuất phát từ trẻ, nguyên nhân khách quan). Bố mẹ cùng trẻ nhìn nhận lại hậu quả của việc nói dối, sự ảnh hưởng đến mọi người như thế nào? Bản thân con ảnh hưởng như thế nào? Bố mẹ, thầy cô, bạn bè sẽ cảm nhận về con như thế nào? Bố mẹ hướng dẫn con đưa ra cách khắc phục và tạo mục tiêu để giúp trẻ thay đổi cho lần sau.

- Bố mẹ nên cùng con tìm hiểu về tầm quan trọng của sự trung thực trong cuộc sống, giá trị của trung thực với sự phát triển bản thân.

- Dạy trẻ sự trung thực thông qua sử dụng các hình ảnh, tranh ảnh, câu chuyện, video bài học ý nghĩa. Ví dụ như câu chuyện “Cậu bé chăn cừu nói dối”, cha mẹ cho con xem và cùng con phân tích hành động, nguyên nhân - kết quả của hành đông của cậu bé trong câu chuyện và cho bé tự rút ra bài học cho bản thân.

- Bố mẹ có thể cùng trẻ quan sát và nói chuyện về các tình huống trẻ quan sát được ở trường học, nơi ở để trẻ tự rút ra bài học và vốn sống cho bản thân. Ngoài ra, bố mẹ còn đưa ra các câu chuyện, tấm gương sáng về đức tính trung thực để trẻ tích cực suy nghĩ và thay đổi.

Bố mẹ hãy là tấm gương sáng để con học hỏi và noi theo trong cách ứng xử và hoạt động hàng ngày. Khi bố mẹ trở thành những người nói dối, và sẽ luôn nghĩ rằng những việc đó không ảnh hưởng đến ai và không hại ai. Tuy nhiên vô hình chung bố mẹ đã cho trẻ thấy rằng việc nói dối là bình thường và học theo. Chính vì vậy, để con không nói dối cha mẹ cần là tấm gương sáng cho con noi theo.

- Điều nên tránh khi phát hiện trẻ nói dối là la mắng, quát tháo, vì như vậy trẻ sẽ không hiểu được bản chất của vấn đề để thay đổi bản thân. Nếu như càng quát mắng, trẻ sẽ thu mình và khoảng cách giữa bố mẹ và trẻ ngày một xa hơn.

Hãy cùng trẻ phản xạ tình huống hàng ngày, đó chính là cách dạy trẻ thông minh và hiệu quả nhất nhé. Ai cũng sẽ mắc sai lầm, điều quan trọng là nhận ra lỗi sai đó và sửa sai để sống tích cực hơn.

Kỹ năng ứng xử của cha mẹ khi con cãi hỗn

 


Khi cha mẹ đặt ra yêu cầu và con bắt đầu có những lí sự, phản kháng bằng lời nói, cha mẹ thường cảm thấy khó chịu, tức giận vì cảm thấy bị xúc phạm. Từ đó, dẫn đến những cuộc khẩu chiến giữa cha mẹ và con cái. Điều này hoàn toản không tốt và ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ và tình cảm gia đình. Vì vậy, cha mẹ nên xử lý những tình huống này như thế nào? Cha mẹ hãy cùng tham khảo một số phương pháp dưới đây khi con cãi lời hiệu quả nhất.

1. Cố gắng bình tĩnh, tránh phản ứng cùng tông giọng trẻ đã nói

Cách khiến được mình bình tĩnh, không gì khác là hít một hơi thật sâu và thở ra thật dài. Cho dù rất muốn, lúc ấy, bạn chớ phản ứng ngay lập tức. Vì lời con trẻ khi bướng lên sẽ gây cảm giác thật khó chịu, và bạn có thể phản ứng nhanh một cách tiêu cực. Lúc này, bạn có thể lờ đi. Nhưng chỉ với nghĩa là "tạm thời để đấy, tính sau"

Cha mẹ nên dùng các từ ngữ nhẹ nhàng để đáp lại con, tránh nóng giận và dùng những lời lẽ chất vấn, tra hỏi, áp đặt và công kích khiến trẻ.

Không tranh luận sâu về những yêu cầu với con mà chỉ đặt ra các câu ngắn gọn: Cha mẹ không muốn gì? Nhưng hy vọng gì? Khi nào? Và nếu không được thì sẽ ra sao?

2. Khích lệ trẻ bộc lộ hết cảm xúc

Khi trẻ cãi lại sẽ đưa ra rất nhiều lý lẽ, chúng ta lớn tiếng quát mắng sẽ chặt đứt lối thoát dòng cảm xúc Catharsis của trẻ. Từ biểu hiện bề ngoài, có lẽ do trẻ yếu thế nên tỏ vẻ phục tùng, nhưng trong tâm có thể vẫn rất ấm ức, bắt đầu tránh xa cha mẹ.

Phụ huynh nên nhẫn nại, lắng nghe lời con trẻ, khích lệ trẻ nói hết những điều mà con đang nghĩ. Như vậy khiến trẻ cảm thấy cha mẹ đang tôn trọng con, đây là điều cốt yếu để giúp trẻ và cha mẹ đạt được sự đồng thuận quan điểm.

3. Nhận định nguyên nhân và cùng phân tích

Cha mẹ cần biết chính xác nguyên nhân vì sao con lại cãi lại cha mẹ. Tranh luận, cãi lại, kỳ thực thường thường cũng chưa hẳn là điều mà đứa trẻ biểu đạt ra một cách chân thật từ nội tâm. Có thể trẻ ở lớp đã có va chạm với bạn học, nên trong lòng buồn rầu mà về nhà trút lên cha mẹ. Điều này chỉ là vì, đối với cảm nhận của con cái thì cha mẹ luôn là nơi an toàn nhất để trút bỏ. Cũng có lúc, trẻ vì áp lực học quá lớn mà sinh ra việc này.

Khi hiện tượng này xảy ra, cha mẹ trước tiên nên phải bình tĩnh, hỏi xem con có vấn đề ở đâu bằng những câu như: “Hôm nay ở trường có phải con đã gặp chuyện gì không vui phải không?” hay “Theo con thì mẹ đã nói gì sai sao?”

Ngược lại, nếu quả thực bạn cảm thấy mình đã đối xử với con vô lý, quát con không có cơ sở... thì cũng hãy nhìn nhận một cách công bằng. Trẻ con nhạy cảm với sự công bằng và cũng chỉ trên cơ sở công bằng, dân chủ trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, bạn mới tạo được sự "tâm phục khẩu phục" ở con.

4. Làm gương cho con:

Cha mẹ cần làm tấm gương tốt cho con, lấy bản thân mình làm mẫu mực. Nếu muốn con đi ngủ sớm thì bản thân phải tắt TV, tắt điện thoại; muốn con không kén ăn thì mình cũng không được kén ăn; muốn con không nói bậy thì mình cũng không được chửi thề nói tục.

5. Đưa ra các quy ước, nguyên tắc, giới hạn trong việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái để tránh xung đột.

Cha mẹ và con có thể cùng quy ước. Nếu cha mẹ quá nóng tính rồi, thì con nói gì để cha mẹ nhận ra và dừng lại, đồng thời nếu con cái đang đi quá giới hạn cho phép, cha mẹ cần nhắc nhở để chấm dứt ngay. Việc đưa ra nguyên tắc này cần có sự hưởng ứng và thực hiện từ 2 phía. Cha mẹ không nên áp đặt con trong tất cả các tình huống.

6. Không áp đặt

Khi bé con bắt đầu "cãi lại" bố mẹ, đó không chỉ là dấu hiệu "bướng" hay "hư" như các bậc phụ huynh thường nghĩ, mà còn là dấu hiệu của sự trưởng thành. Bé con của bạn bắt đầu biết suy nghĩ độc lập, biết liên kết những điều bố mẹ nói, những nguyên tắc bố mẹ đặt ra với hiện thực, biết bắt chước các bạn, biết đòi hỏi những điều "đúng, sai" một cách rõ ràng, cứng nhắc, và logic. Vậy, thay vì bực bội, điên tiết lên, bạn hãy... lấy làm vui mừng. Và từ đó, hãy cẩn trọng hơn trong lời ăn tiếng nói, hãy chú ý sao cho lời nói và việc làm của bạn "khớp" với nhau.

Muốn con ít có "điều kiện" cãi bướng, việc quan trọng nhất là bố mẹ điều chỉnh hành vi đối xử của mình với con. Không quát nạt, áp đặt, bắt chúng phải coi ý kiến của bố mẹ là nhất, là bất khả... cãi lại. Hãy cho bé con có được "quyền tham gia".

7. Cổ vũ, khen ngợi đúng lúc

Khen ngợi trẻ sẽ khiến trẻ thấy rằng mình đã có thay đổi tốt trong mắt của cha mẹ. Khi trẻ tôn kính người khác, cha mẹ nhất định phải không được quên khen ngợi trẻ.

Có thể nói: “Con trả lời mẹ vừa ngoan ngoãn lại không la hét to như thế khiến mẹ rất vui. Con làm việc ấy thật sự rất tốt!” hay “Cách trả lời của con rất tốt, mẹ rất vui!” 

Một lời khen ngợi đúng lúc của cha mẹ sẽ khiến tinh thần trẻ phấn khởi, vui sướng. Đồng thời cũng khiến trẻ hiểu ra rằng, cha mẹ không chỉ có nhìn vào điểm xấu của mình mà nhìn cả vào điểm tốt của mình, sự thay đổi của mình đều được cha mẹ theo dõi để ý đến.

Chúng ta khích lệ trẻ tranh luận một cách văn minh, nhưng mục đích của chúng ta không phải là để đả kích trẻ, khiến trẻ cảm thấy ấm ức, điều chúng ta cần làm là đứng cùng với trẻ, giúp trẻ ổn định trên con đường trưởng thành.

“Thấu hiểu” là chìa khóa để chúng ta nhìn nhận dưới góc độ của trẻ cũng giống như khi chúng ta con bé, chúng ta hi vọng cha mẹ có thể thấu hiểu mình. Trò chuyện nhiều hơn chính là con đường duy nhất để hiểu nhau hơn.

Kỹ năng ứng xử của cha mẹ khi con lì bướng, chống đối

 

Trẻ trong lứa tuổi mầm non, tiểu học thường chưa biết điều chỉnh cảm xúc nên khi thích cái gì đó thường đòi cho bằng được hoặc chống đối, giận dữ, lầm li khi không đạt được mục đích. Tuy nhiên, con bướng lì, nói gì cũng không chịu nghe, càng mắng thì con càng phản kháng và ăn vạ hay thậm chí là chống đối lại.

Trẻ nhỏ bướng bỉnh, lì lợm có thể do nhiều nguyên nhân cả do khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn do các nguyên nhân sau:

Trong một số trường hợp, sự bướng bỉnh là cách để các bé dò xét cũng như khẳng định sự tự do khi làm hoặc không muốn làm điều gì đó.

Một số bé tỏ ra bướng bỉnh bởi chúng muốn được chú ý, quan tâm. Đối với những trường hợp này, cha mẹ nên làm thế nào để bé nhận thấy được tình yêu thương và quan tâm từ cha mẹ.

Ngoài ra, nguyên nhân của sự lì lợm, bướng bỉnh của các em cũng có thể xuất phát từ việc trẻ luôn bị bố mẹ ép buộc tham gia các hoạt động mà đối với bé không thú vị, không thu hút được sự quan tâm của bé. Lâu dần các em trở nên thờ ơ với những yêu cầu từ bố mẹ, đồng thời bé muốn bày tỏ thái độ chống đối của bản thân bằng cách im lặng, không phản ứng.

Hoặc có thể sự phớt lờ, sự ngang bướng đến từ việc bé đang phải đối mặt với hội chứng rối nhiễu tâm lý. Điều này bố mẹ cần đặc biệt lưu tâm.

Có rất nhiều cách để trẻ không còn ương bướng, cha mẹ có thể tham khảo một số phương pháp cụ thể như sau:

1. Đặt mình vào vị trí của con

Nếu con tỏ thái độ bướng bỉnh, không nghe lời, bạn đừng vội tức giận mà hãy đặt mình vào vị trí của con để xem xét nguyên nhân. Vì có nhiều vấn đề đối với cha mẹ đó là sự ngang bướng, nhưng đối với trẻ nhỏ thì đó là do cha mẹ không giữ lời hứa. Những lúc như thế, cha mẹ nên đặt mình vào vị trí của con và đừng quên gửi tới con một lời xin lỗi.



2. Đặt ra giới hạn

Hiểu được mong muốn của con là điều rất quan trọng. Nhưng không phải lúc nào bạn cũng nên đáp ứng trẻ vì đương nhiên sẽ có những yêu cầu không phù hợp. Trong trường hợp không đòi được thứ muốn có, trẻ sẽ bắt đầu la hét và tỏ ra bực bội, ăn vạ.

3. Uốn nắn từ từ

Sau khi cơn giận đã qua đi là lúc thích hợp để bạn giải thích kỹ càng những điểm sai cho con. Thỉnh thoảng, cũng nên để các bé tự làm theo ý thích của bản thân, không ép bé làm những điều bé không thích như tắt tivi trong lúc bé đang xem phim hoạt hình, ép bé phải ăn nhiều…

4. Hãy là “tảng băng”

Nếu bé vẫn tiếp tục không “nhượng bộ”, hãy áp dụng nguyên tắc “quá tam ba bận”, nghĩa là đặt mình ở vị trí của con để giải thích, khoảng 3 lần.

Nhớ ngồi ngang hàng với con, nói thật chậm và nghiêm để bé thấy tầm quan trọng của vấn đề. Sau 3 lần mà bé vẫn không chịu nghe, khóc lóc, dỗi hay ăn vạ, bạn nên chuyển sang biện pháp phớt lờ bằng cách tập trung vào việc mình đang làm và bỏ ngoài tai cơn lì lợm của bé.

Thời điểm này đòi hỏi cha mẹ thật sự kiên nhẫn vì khi ấy bé dễ lên cơn lá hét, ho hay khóc lóc đến cả giờ đồng hồ. Nếu thấy con ho không quá nghiêm trọng thì đừng rối lên, kẻo hỏng kế sách.

Trong trường hợp bé phớt lờ mọi yêu cầu, bạn có thể đặt bé ở phòng riêng và thoải mái khóc ăn vạ. Ban đầu, bé thường gào lên rất to khi mẹ vừa bước chân ra ngoài để thăm dò thái độ và lôi kéo sự quan tâm của bạn. Nếu bạn quay lại thì hỏng chuyện.

Ví dụ nếu bạn nhắc đến giờ đi ngủ mà bé vẫn ngồi bất động chơi ôtô và cố tình “không thèm” trả lời bạn, bạn thử mặc kệ bé. Nói với bé rằng cha mẹ sẽ đi ngủ trước, sau đó, bạn vờ tắt đèn, vào phòng, khép cửa lại, bé sẽ có cảm giác như “bị bỏ rơi” sẽ nhanh chóng chạy theo chân bạn.

Kiên nhẫn đợi vài phút cơn giận dữ cao trào của bé sẽ “xẹp” xuống, lúc này bạn có thể đánh lạc hướng bé bằng những việc bé thích để bé quên đi cơn giận dữ.

5. Tạo một bầu không khí yêu thương, tôn trọng

Hãy biến nhà bạn thành một nơi hạnh phúc, thoải mái. Tạo ra một bầu không khí có sự tôn trọng lẫn nhau, sự hiểu biết và tình cảm. Kỷ luật con bạn cũng rất cần thiết, nhưng hãy chắc chắn bạn làm điều đó một cách trìu mến chứ không phải theo cách: “Bố muốn còn làm điều này và con phải làm nó mà không được quyền tranh cãi”. Thay vào đó, hãy thuyết phục con bạn về tầm quan trọng của các quy tắc được đặt ra.

6. Sau tất cả, tuyệt đối không tranh luận gay gắt, quát mắng, đánh đòn thái quá

Đây là một quy tắc quan trọng để đối phó với một đứa trẻ bướng bỉnh. Khi con bạn bướng bỉnh hoặc tức giận, đó không phải là thời điểm thích hợp để tranh luận. Tốt hơn là làm điều đó khi con đã sẵn sàng lắng nghe. Quan sát con, cố gắng xác định điều gì khiến bé khó chịu và bình tĩnh kiểm soát tình hình.

Hơn thế, bé lì lợm phần nhiều do bản chất. Vì thế, những hành vi như mắng mỏ, đánh đập sẽ làm bé “chai sạn” hơn. Không những không sợ, bé sẽ càng ngày càng tỏ ra cứng đầu, khó bảo hơn. Còn nếu quan sát thấy bé có những biểu hiện lầm lì bất thường, chậm hoặc kém phản ứng với những yêu cầu của cha mẹ, bạn nên nhanh chóng đưa bé đi khám.

Sự thay đổi tính cách và tư duy nhận thức của trẻ mẫu giáo

Mỗi một độ tuổi thì tư duy, tâm lý, tính cách của trẻ sẽ phát triển ở một mức độ khác nhau. Giai đoạn trẻ mẫu giáo là rất quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của trẻ. Độ tuổi mẫu giáo là từ 3 đến 5 tuổi, trẻ thay đổi về tính cách và nhận thức theo nhiều cách rất thú vị. Hãy xem những điều ba mẹ cần biết khi con trong độ tuổi này là gì nhé!
Khi trẻ trong giai đoạn 3-5 tuổi là giai đoạn mà cá tính, các kỹ năng, sở thích, năng lực, cảm xúc và ý nghĩ của trẻ tiếp tục bộc lộ và phát triển, trẻ sẽ thay đổi theo nhiều cách rất thú vị. Trẻ sẽ trở thành một người có suy nghĩ độc lập hơn nhiều với những tư tưởng rất rõ ràng về những gì thích và không thích, điều gì trẻ muốn đạt được, và ai là người trẻ thích ở cạnh hơn.
Trong giai đoạn này trẻ đang phát triển cái tôi rất mạnh và mong muốn được thể hiện và khẳng định bản thân mình hơn so với giai đoạn trước. Hãy cùng tìm hiểu sự thay đổi đó như thế nào để thấu hiểu trẻ hơn nữa nhé!.

1.Trẻ mẫu giáo thích tự lập hơn

Trong thời kỳ này, trẻ có khao khát tự nhiên bẩm sinh là có thể tự làm nhiều việc hơn cho bản thân mà không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bạn và khao khát này ngày càng mạnh hơn. Điều này xảy ra không những vì trẻ tiếp tục muốn được độc lập mà còn vì giờ đây trẻ tin tưởng rằng trẻ có khả năng tự đương đầu với khó khăn. Bố mẹ hãy thật bình tĩnh khi trẻ đòi hỏi theo ý mình hoặc thậm chí đòi làm các công việc của mình nhưng chưa thành thạo, mất rất nhiều thời gian. Bố mẹ chỉ cần kiên trì và cho trẻ thực hiện mỗi ngày thì sẽ phát triển được khả năng tự lập cho trẻ trong giai đoạn này là rất cao. Nếu cha mẹ ngăn cấm hoặc làm hộ trẻ thì sẽ tạo nên tính cách thụ động và thu mình lại.Khi cha mẹ đạt được điều này trẻ sẽ rất tin tưởng bố mẹ và nhanh chóng nghe lời bố mẹ vào các tình huống tương tự.

2. Khả năng giao tiếp tốt hơn

Trẻ sẽ nói dược câu hoàn chỉnh từ 3 đến 5 từ, biết  tự đưa ra suy nghĩ của trẻ, đối với trẻ tư duy tốt đã có thể phân biệt được đúng – sai trong sử dụng ngôn ngữ rất rõ ràng. Ngôn ngữ và các kỹ năng giao tiếp của trẻ tăng lên với tốc độ chóng mặt trong thời gian này. Đó không chỉ là việc số lượng và phạm vi các từ mà trẻ dùng để diễn tả suy nghĩ và cảm xúc của trẻ tăng lên rất nhiều, mà còn nằm ở cách trẻ sử dụng các tính năng ngôn ngữ mới này, khiến trẻ trở nên đáng hơn rất nhiều. Trẻ dã biết đối đáp và có thể “bóc phốt” bố mẹ khi bố mẹ vô tình nói sai trước mặt trẻ.
Trẻ có thể học thuộc rất nhiều các bài đồng dao, thơ ngắn, câu chuyện nhỏ và có thể kể lại cho người lớn nghe. Tư duy ngôn ngữ bắt chước và tư duy ứng dụng ngôn ngữ đã manh nha phát triển ở giai đoạn này. Khi thấy trẻ bắt chước người lớn những lời nói, đừng vội quát mắng bạn nhé mà hãy cho trẻ nhận biết được như vậy là đúng hay sai, lần sau con có tái phạm nữa hay không?hướng dẫn lại con kỹ năng ứng xử đối với tình huống sau.

3.Thích thể hiện bản thân và giao lưu kết bạn nhiều hơn

Các mối quan hệ bạn bè giờ đây bắt đầu trở nên quan trọng đối với trẻ. Trẻ muốn có thật nhiều bạn và được nhiều người yêu mến, dù bé có thể không có các kỹ năng xã hội cần thiết để đạt được mục tiêu này.
Trẻ lúc này đang ở độ tuổi mà bọn trẻ học cách hợp tác khi chơi với nhau, san sẻ đồ chơi, và chơi các trò có luật chơi, đặc biệt là khi chúng gần đến tuổi đi học, nhưng trẻ cũng có thể gặp khó khăn với việc này. Một số trẻ cởi mở và dễ kết bạn hơn những trẻ khác.
Một trong những điểm đặc trưng của các mối quan hệ đồng trang lứa ở độ tuổi này là chúng thường khá mong manh – một người bạn trẻ chơi thân vào tuần trước có thể chỉ còn là một ký ức bị lãng quên vào tuần kế tiếp.
Trẻ cũng rất dễ nhút nhát, dễ nhút nhát khi vào môi trường mơi như sắp bước vào dự bữa tiệc sinh nhật của bạn, hoặc đi làm khách. Trong phút chốc, trẻ sẽ khóc lớn và quả quyết không muốn vào trong với các bạn dù biết mặt hầu hết những đứa trẻ trong đó. Kiểu nhút nhát bất thình lình này là thường gặp nhưng may mắn là số lần xảy ra như vậy giảm đều qua một vài năm tiếp theo.

4.Trẻ tự tin hơn

Giai đoạn mẫu giáo là rất quan trọng để phát triển sự tự tin cho trẻ. Sự tự tin của trẻ là rất quan trọng vì nếu cảm thấy hài lòng với bản thân, trẻ sẽ có dũng khí để thử làm mọi việc ít nhất một lần. Trẻ sẽ có những trải nghiệm mới trong các mối quan hệ, trong việc học hỏi và giao thiệp mỗi ngày và cần có sự tự tin để xử lý chúng một cách hiệu quả.
Sự tự tin của trẻ thay đổi nhiều và có thể cực kỳ dễ bị tổn thương. Hôm nay trẻ có thể cho bạn thấy trẻ có thể tự mặc quần áo, nhưng ngày mai lại khăng khăng mình không thể làm được nếu bạn không giúp. Hoặc có thể trẻ nhảy nhót hăng hái và vui vẻ trong nhà nhún cho đến khi đột nhiên bé đòi ra khỏi đó vì sợ bị thương. Trẻ có thể cố tránh những việc khó khăn do lo sợ không làm tốt chúng được.
Trẻ rất thích thể hiện bản thân trong giai đoạn này, và thích động công nhận và khen ngợi nên trẻ rất thích được làm điều bản thân mong muốn.
Tuy vậy, trẻ càng đạt được nhiều thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống thì sự tự tin của bé sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn.

5. Ham học hỏi

Nhiều trẻ học các kỹ năng đọc và nhận biết con số từ sớm một cách tự phát. Chúng có thể nhận ra tên mình được viết ra và có thể hoàn thành các phép cộng rất đơn giản. Những trẻ khác cần nhiều sự hỗ trợ hơn để làm được điều này. Mỗi trẻ có tốc độ học hỏi khác nhau.
Tuy nhiên, bất kể năng khiếu tự nhiên của con bạn là gì, việc học chữ và con số vào những giai đoạn đầu sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong cuộc đời của trẻ.
Khi trẻ lớn lên và phát triển nhanh trong suốt những năm trước khi đi học, sự ảnh hưởng của những thay đổi này sẽ trở nên ngày càng rõ ràng hơn. Cách trẻ đối phó với những ảnh hưởng đó sẽ có tác động đến kiểu người mà trẻ trở thành.
Nắm bắt tâm lý của trẻ là điều vô cùng khó nhưng cũng sẽ rất dễ nếu cha mẹ quan tâm, gần gũi, chi tiết và tỉ mỉ với con. Giai đoạn trẻ học mẫu giáo là giai đoạn vàng để cha mẹ nắm bắt và đồng hành cùng con, đặc biệt khi con chuyển cấp từ mẫu giáo lên tiểu học cha mẹ cần chú ý và nắm bắt tâm lý và cùng con vượt qua giai đoạn này nhé.

Dạy tư duy ngôn ngữ cho trẻ là rất cần thiết

Tư duy ngôn ngữ là chìa khóa của trí tuệ vì ngôn ngữ chính là nguồn ra của chỉ số thông minh (IQ). Khi trẻ có tư duy ngôn ngữ tốt, trẻ sẽ tự tin, cởi mở, hoạt bát, nhanh nhẹn trong các mối quan hệ, trong giao tiếp và trong mọi môi trường. Khả năng lập luận tốt sẽ giúp trẻ biết cách sử dụng ngôn ngữ và có sức hấp dẫn với người nghe. Đồng thời, trẻ sẽ luôn chủ động để giải quyết tình huống khi gặp phải. Rất nhiều trẻ loay hoay khi phải tương tác với bạn bè trên trường lớp như không biết chơi cùng bạn, không biết giải quyết vấn đề bằng lời nói mà luôn dùng hành động,… Trẻ diễn đạt rất kém, lộn xộn trong câu nói hoặc bị tắc khi giải quyết vấn đề.  Khi ra bên ngoài, trẻ luôn rụt rè và e ngại thậm chí chỉ quan sát mà không dám đưa ra ý kiến của bản thân, muốn chơi nhưng không dám xin chơi hoặc không biết cách thuyết phục để được tham gia.
 Bên cạnh đó, rất nhiều cha mẹ lo lắng về vấn đề của con, đi tìm các trung tâm phát triển ngôn ngữ cho con hoặc các lớp học tư duy ngôn ngữ, câu lạc bộ ngôn ngữ để cho con can thiệp và mong muốn khắc phục  cho con mạnh dạn và biết tương tác chủ động. Xuất phát từ tầm quan trọng và tính cấp thiết cần rèn luyện ngôn ngữ cho con, chúng ta cùng tìm hiểu về tư duy ngôn ngữ là gì? Vì sao cần phải dạy trẻ tư duy ngôn ngữ? và dạy cho trẻ tư duy ngôn ngữ như thế nào?

1. Tư duy ngôn ngữ là gì?

Tư duy ngôn ngữ là cách sử dụng các từ ngữ thích hợp để tạo ra các câu nói và truyển tải những suy nghĩ của người nói một cách tốt nhất. Ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp, kết nối giữa con người với con người. Nó là công cụ để giúp chúng ta chia sẻ những suy nghĩ, thông điệp, ý tưởng, sáng tạo,…giải quyết các tình huống, các vấn đề xảy ra. Tuy nhiên, để sự kết nối giữa con người với con người được duy trì  thì người nói cần thể hiện một ngôn ngữ có tư duy – cần suy nghĩ để thấu hiểu và truyền đạt đến người nghe một cách thuyết phục, ấn tượng.

2. Vì sao chúng ta cần phát triển dư duy ngôn ngữ cho trẻ?

 Độ tuổi từ 3-6 tuổi là giai đoạn phát triển rất phong phú của trẻ trên nhiều lĩnh vực khác nhau và đăc biệt là ngôn ngữ. Bởi phát triển ngôn ngữ của trẻ giai đoạn 3-6 tuổi là nền tảng để kịch hoạt não bộ: khả năng quan sát, cảm nhận, ghi nhớ, tập trung, tư duy phản biện, tư duy logic,…là tiền đề vững chắc cho sự thành công trong tương lai của trẻ. Với thực trạng của trẻ hiện tại, các trẻ chủ yếu tiếp xúc với công nghệ và xa rời với hoạt động thực tế. Đôi khi một đồ vật đơn giản hoặc một câu chuyện nhỏ nhưng trẻ không biết mô tả về nó, không biết sử dụng từ ngữ để kể lại nội dung câu chuyện. Bên cạnh đó, có những đứa trẻ rất khó khăn trong việc thể hiện ý kiến của mình, làm quen với bạn trong lớp; nói chuyện với mọi người. trẻ không biết bắt đầu từ đâu vì luôn bị tắc từ nguồn vào. Do vậy, việc rèn luyện tư duy ngôn ngữ cho trẻ là rất quan trọng và cần thiết mỗi ngày.

3. Phát triển tư duy ngôn ngữ cho trẻ như thế nào?

Không có gì khó khi tương tác và rèn luyện cùng trẻ, cha mẹ hãy cùng tăng cường cho con khả năng quan sát, cảm nhận. Ngay trong ngôi nhà thân yêu của mình, cha mẹ cùng con tạo ra các cuộc thi với tên gọi như: Truy tìm báu vật; giải mã bí ẩn trong ngày,…để con quan sát các đồ vật, vị trí tại các phòng. Đồng thời, cho con trải nghiệm quan sát bên ngoài như: khu phố, khu vui chơi, siêu thị, cửa hàng,…bất kỳ nơi đâu. Khi quan sát, trẻ sẽ bắt đầu tập trung để ghi nhớ, nắm bắt được các quy luật, các nguyên tắc của sự vật, sự việc.,…đồng thời chuyển hóa nó thành tên gọi. Quan sát là yếu tố, nguồn vào đầu tiên của chỉ số IQ, giúp trẻ tiếp nhận và vào tiềm thức thông qua các sự vật, sự việc mà trẻ đã quan sát được. Sau khi quan sát, cha mẹ cùng trẻ nghiệm thu bằng các câu hỏi để trẻ vận hành kỹ năng nghe- nghĩ- nói. Từ đó, giúp trẻ có tư duy lập luận logic, khoa học hơn. Trẻ vận hành được việc trình bày, diễn đạt những gì mà mình quan sát được.
Cha mẹ tăng cường nói chuyện cùng con hàng ngày. Đây là hoạt động thiết thực nhất giúp trẻ sẽ quan sát được các sắc thái, biểu cảm của người nói qua ngôn ngữ, giọng điệu. Từ đó, giúp trẻ biết cách sử dụng ngôn ngữ trong những hoàn cảnh, đối tượng khác nhau. Ngoài ra, việc trò chuyện – giao tiếp với trẻ còn giúp tư duy ngôn ngữ nói của trẻ tốt hơn bởi khi đã tạo thành thói quen, trẻ sẽ giao tiếp tự nhiên hơn, diễn đạt ngôn ngữ trôi chảy hơn và đặc biệt là các sắc thái của ngôn ngữ có độ sâu, hiệu quả hơn.
Cha mẹ cùng con đọc sách, đọc truyện, kể chuyện cũng là một kỹ năng để trèn rèn luyện tư duy ngôn ngữ. Hãy kể cho trẻ nghe các câu chuyện  quan sách, tạp chí hoặc các câu truyện tranh và cùng trẻ  nói chuyện về các nhân vật, sự việc trong câu chuyện đồng thời để trẻ chia sẻ cảm nhận của mình sau khi được nghe đọc sách, kể chuyện. Không ai có thể phủ nhận những lợi ích của việc đọc sách và một trong những lợi ích to lớn chính là giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và từ vựng. Ngôn từ trong sách rất phong phú, nó giúp trẻ có thể học được cách miêu tả về những đồ vật quen thuộc, giúp trẻ học kể về một câu chuyện mà trẻ đã trải qua,…
Cha mẹ cùng con phản xạ với các tình huống để đưa ra cách giải quyết. Cha mẹ hãy cùng con tái hiện lại các tình huống xảy ra trong cuộc sống để cùng con phân tích, lập luận. Việc tái hiện và phản xạ tình huống không chỉ giúp con có thêm các kỹ năng bảo vệ bản thân mình khỏi các nguy hiểm hàng ngày mà còn giúp trẻ có kỹ năng trong việc tương tác, giải quyết các xung đột bằng lời nói thày vì dùng hành động. Bởi trong quá trình phản xạ – xử lý tình huống, trẻ cần phân tích tình huống, tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra các giả thuyết để lập luận, tìm ra phương án xử lý… Việc xử lý các tình huống sẽ giúp tư duy ngôn ngữ của trẻ có sự logic, chắc chắn hơn khi đưa ra ý kiến.
Rèn luyện tư duy ngôn ngữ cho trẻ là cấp thiết và đặc biệt với những trẻ chậm nói, không có nhu cầu tương tác; hoặc không tương tác được với mọi người và nhút nhát khi ra môi trường bên ngoài. Cha mẹ cần có các kỹ năng và phương pháp để rèn luyện tư duy ngôn ngữ cho con mỗi ngày nhé.