Hãy tạo động lực cho con


Cha mẹ hãy tạo động lực cho con để con  có thể tự tin và thành công

Nhìn nụ cười rạng rỡ của C.G mỗi buổi đến lớp, có ai nghĩ rằng trước đây cô bé ấy đã luôn nơm nớp lo sợ, bám chặt áo mẹ với đôi mắt ngấn nước khi mới vào học? Chắc hẳn mọi người đều thấy bất ngờ khi biết rõ hơn về phương pháp mà cha mẹ C.G đã sử dụng để giúp con thay đổi. Thường khi thấy con nhút nhát ở môi trường ngoài, chúng ta sẽ làm gì? Nếu cha mẹ đã từng nóng vội, muốn con tự tin thể hiện mình, đừng nên tức giận hay thúc giục, mà hãy bình tĩnh sử dụng thần chú sau để tạo động lực cho con: "Cha mẹ tin con làm được". 
Cha mẹ nên chậm lại những lời trách mắng, những câu thúc giục và thay bằng sự khích lệ kịp thời với con để chúng cố gắng đạt được kết quả công việc. Tránh nên suy nghĩ là cha mẹ thì có thể tuỳ nghi quát mắng con, bởi không đứa trẻ nào có thể tự tin khi đụng cái gì cũng nghe tiếng quát của bố mẹ. Thậm chí khi sử dụng sai phương pháp, đứa trẻ không chỉ có tâm lí sợ hãi mà dần hình thành sự phản kháng ngầm với cha mẹ, trở nên khó bảo, lì bướng. C.G lúc nhỏ cũng là một cô bé khá vui vẻ, hoạt bát. Do gia đình chỉ có duy nhất C.G để chăm sóc, bà ngoại cũng ở cùng nên tất cả mọi việc con đều được nâng niu, chiều chuộng. Mẹ C.G thường bận công việc nên không có nhiều thời gian tương tác với con, cùng con làm quen với những công việc đơn giản từ khi còn nhỏ. Vì vậy lên 4 tuổi C.G ngày càng trở nên thụ động, thường dựa dẫm vào sự giúp đỡ của người lớn. Con ăn uống khá chậm, lại có thói quen kén chọn đồ và đòi hỏi theo ý mình. Sáng không thức dậy sớm mà C.G lại đủng đỉnh, luôn chờ bà làm giúp nên nhiều khi không đủ thời gian, thiếu kiên nhẫn mẹ C.G khó kiềm chế được mà quát mắng con. Mỗi lần sau đó, C.G càng cảm thấy sợ sai, lo lắng và mất tự tin khi ra ngoài. Gặp cô và các bạn con khá ít nói, ban đầu C.G chỉ lặng yên quan sát, không hài lòng sẽ nhăn trán hoặc bỏ ra một góc riêng khiên mọi người đều ái ngại.
Sau thời gian tham gia huấn luyện tại Wedo và trải nghiệm cùng con, mẹ C.G đã hiểu và cố gắng thay đổi cách tương tác với con. Với hướng dẫn sát sao của cô, hằng ngày bố mẹ C.G sắp xếp lại thời gian cùng con rèn luyện tỉ mỉ từng công việc nhỏ, động viên con. Bên cạnh việc con tự thực hành vệ sinh cá nhân, phục vụ bản thân, cha mẹ còn cho con làm cùng những công đoạn nhỏ và dễ trong các công việc nhà. Ví dụ khi mẹ nấu ăn con phụ nhặt rau; mẹ lau sàn nhà, con sẽ lau bàn ghế; mẹ rửa bát thì con sẽ xếp vào giá… Thỉnh thoảng bố mẹ cho con cùng đi chợ, đi mua đồ dùng gia đình và thảo luận ý kiến nên chọn đồ như thế nào cho phù hợp. Điều cha mẹ luôn chú ý nữa là không sai vặt C.G quá nhiều để tránh việc con mất hứng thú làm việc. Đặc biệt khi con mệt hoặc bận mà chưa hoàn thành việc gì, mẹ C.G không vội phê bình, nhắc nhở mà đã cảm thông và đồng ý với đề xuất chính đáng của con. Do đó sau khoảng hai tháng học tập, C.G đã dần vượt qua được tâm lí sợ sai, mạnh dạn, tự lập hơn trong việc tự phục vụ bản thân. Vui mừng hơn cả là cô bé không còn viện lí do bài học khó, không muốn đi học mà rất tự tin cùng các bạn tham gia hoạt động, biểu diễn thành thục tại buổi Gala Vinh danh cuối năm. Hào hứng báo cáo kết quả con đã làm được với các thầy cô, C.G ngày càng tích cực thực hiện thêm việc nhà, tự giác học tập với mục tiêu lên 5 tuổi con sẽ ngủ riêng, tự thức dậy, rửa bát sạch mà không cần bà hay mẹ làm cùng.
Mẹ C.G đã rút ra được bài học cho bản thân: muốn con không hoàn toàn ỉ lại vào người thân, chủ động và tự lập cha mẹ cần lưu tâm đến việc tạo điều kiện cho con thực hành, cùng chia sẻ công việc nhiều hơn từ khi còn nhỏ. Cha mẹ cần tạo cho con một bầu không khí gia đình ấm áp, tăng cường sự tự tin cho con bằng tình yêu thương vô bờ thay cho sự áp đặt, trách mắng khi thấy con mắc lỗi. Cha mẹ càng bao bọc hoặc kì vọng vào con sẽ càng khó để thấu hiểu và đồng hành để giúp con trưởng thành. Thay vì xót con, chiều chuộng và phục vụ con cái liên tục, cha mẹ hãy dạy con bằng việc hòa mình với con tuy nhiên cần lưu ý không nên làm giúp chúng mọi việc. Cha mẹ cần thống nhất để bản thân cũng có thời gian nghỉ ngơi, khi đó con cái có thể tự hoạt động, tự chơi & giải quyết vấn đề nhỏ mà không làm phiền tới người lớn.
Hi vọng nhiều cha mẹ khác cũng sẽ thay đổi suy nghĩ và hành động như gia đình C.G để giúp con khắc phục được các nhược điểm, trưởng thành & tự tin thể hiện được khả năng của bản thân. Chúc các cha mẹ sẽ thành công!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét