“Chiến thuật” khi trẻ 3 tuổi bướng

“Chiến thuật” khi trẻ 3 tuổi bướng
Trẻ ương bướng là điều hết sức bình thường nhưng điều đó cũng khiến cho các bố mẹ bận tâm và khá lo lắng. Vậy làm sao để trẻ bớt bướng hơn đặc biệt là ở độ tuổi lên 3.
1. Phớt lờ
Không ít bố mẹ gặp trường hợp khi mắng con sẽ xì mặt, lỳ ra không thèm để tâm đến những điều bố mẹ nói. Khi bố mẹ động vào thì gào thét “ăn vạ”. Xử lý rất đơn giản. Bố mẹ hãy phớt lờ cảm xúc lúc đó của trẻ mà tập trung làm việc gì đó hoặc bỏ sang phòng khác coi như không quan tâm. Thực ra khi đang giận dỗi trẻ có những phản ứng như thể để mong muốn bố mẹ có sự chú ý hơn đến mình, vuốt ve mình. Nhưng khi nào cũng làm như thế khiến trẻ nhờn và đòi hỏi. Chắc chắn với biện pháp này trẻ sẽ không dám tái phạm khi mà chúng chẳng có ai để hờn giận.
2. Kiên quyết
Khi con khóc chắc chắn bố mẹ nào cũng xót và sẽ mềm lòng nhượng bộ mặc dù trước đó bố mẹ có thể rất kiên quyết.
Khi được nhượng bộ chắc chắn bé biết đây là cách chúng có thể làm được với bố mẹ khi cần đòi hỏi bất cứ thứ gì và có thể dùng vào bất cứ lúc nào.
Nhưng bố mẹ cần phải cho con hiểu đã là quy tắc thì phải chấp hành theo và nếu làm sai thì con phải chịu hậu quả. Đừng nhượng bộ con quá nhiều và chúng sẽ tăng cường tính đòi hỏi.
3. Chiến thuật phân tâm
Khi đưa con đi siêu thị đến khu vực trò chơi bé đòi mẹ mua đồ chơi chúng thích nhưng không được đáp ứng chắc chắn chúng sẽ ăn vạ. Nhiều bố mẹ có thể “điên tiết” sẽ quát mắng, đánh hay lôi con đi chỗ khác nhưng chẳng ăn thua với biểu hiện của trẻ. Giải pháp là hãy đánh lạc hướng sự quan tâm của trẻ bằng việc nhờ con làm việc gì hoặc có 1 cuộc đua giữa bố mẹ với con. Điều này giúp trẻ quên đi chuyện vừa rồi nhưng cũng khiến cho bố mẹ đỡ bực tức hơn.  
4. Thuyết phục
Con tiêu cực chắc chắn bố mẹ vô cùng khó chịu nhưng hãy kiềm chế và có những cách ứng xử khác mang tính thuyết phục sẽ khiến trẻ hiểu vấn đề nhanh hơn. Lúc nào bạn cũng nên tỏ thái độ tôn trọng, đối xử với bé như một người lớn. Khen ngợi bé khi bé làm đúng và khuyến khích bé diễn đạt những điều mình mong muốn một cách rõ ràng. Nếu trẻ làm sai hoặc làm những việc không nên hãy phân tích cho trẻ thấy hậu quả và cách chúng cần sửa sai.
5. Chia sẻ cảm xúc
Trẻ ở độ tuổi này luôn muốn được quan tâm cũng như thích thể hiện tình cảm với bố mẹ. Hãy cố gắng trò chuyện và chia sẻ cảm xúc cho con mỗi ngày để gắn kết với con hơn. Qua những cuộc trò chuyện đó bố mẹ cũng có thể hướng dẫn con các kỹ năng, cách bày tỏ cảm xúc với người khác.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét