Xôn xao sách kỹ năng sống dạy trẻ dẫm thủy tinh để tăng…dũng cảm.

Sách kỹ năng sống dạy trẻ đi trên thủy tinh
Khi biểu diễn đi trên thảm thủy tinh trên truyền hình, nhà sản xuất chương trình chạy dòng khuyến cáo: "Đây là màn biểu diễn của các diễn viên chuyên nghiệp. Khán giả không nên thử tại nhà".
Những ngày gần đây trên khắp các kênh truyền thông và mạng xã hội, rất nhiều phụ huynh phản ứng trước nội dung dạy trẻ về lòng dung cảm bằng cách đi trên thủy tinh trong cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” của tiến sĩ Phan Quốc Việt.   
Giáo dục lòng dũng cảm
Cụ thể, ở bài 15, vượt qua nỗi sợ, mục c, nghe thầy cô kể chuyện, cuốn sách viết: “Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đã đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi, An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh.
Đại đa số ý kiến phản đối phương pháp giáo dục này, nhiều người cho rằng để khuyến khích cho trẻ lớp 1 thì có nhiều cách khác, chẳng hạn như dũng cảm nói chuyện trước tập thể, trình bày ý kiến của mình trước ba mẹ, dám đi cùng bạn bè mình để thực hiện ước mơ, trao đổi, dám nhận lỗi về mình, dám vượt qua thử thách trong một môn học nào đó,…không nhất thiết phải dạy con cách đi trên thủy tinh.
Có bao nhiêu cách giáo dục để một đứa trẻ xác quyết lòng can đảm? Giáo dục luôn cần tìm kiếm những hướng đi mới, thậm chí táo bạo, biết phủ nhận những gì đang được cho là tốt. Nhưng cái gì cũng có giới hạn. Nhất là con người, những thử nghiệm đều chỉ nên nằm trong một phạm vi nghiên cứu có chọn lọc. Nó cần được làm rõ, chúng ta “làm điều đó để làm gì?”, có thật sự ích lợi không trước khi đem ra thực nghiệm đại trà hoặc in thành sách.
Để dạy trẻ can đảm nên gắn liền với vài kỹ năng có lợi, ít ra khi vào đời chúng sẽ vận dụng những điều đó vào thực tiễn, trong những tình huống thực tế. Trong khi đi qua thủy tinh chẳng để làm gì cho cuộc sống của chúng sau này, ngoại trừ có tính biểu diễn.  Hơn nữa,  ngay cả ở một số chương trình truyền hình có chiếu cảnh ăn mảnh chai, đi qua mảnh chai mỗi phần đều có khuyến cáo rất rõ: Đây là phần biểu diễn của các nhà chuyên nghiệp, không khuyến khích trẻ em và người lớn làm theo”. Hay ngay cả trong võ thuật, người ta dùng tay chặt gạch, đá, dùng đầu đập vào vật cứng,… nhưng đó là những kiểu giáo dục rèn luyện có tính chuyên biệt, khổ luyện, nó không dành cho những khóa học ngắn ngày, cưỡi ngựa xem hoa. Lại phải có thầy truyền thụ trực tiếp, lại càng không thể in thành sách để mỗi phụ huynh mua về nhà rồi thực nghiệm trực tiếp với con cái mình.
Trang bị cho trẻ kỹ năng sống như thế nào?
Người lớn và trẻ em có những nỗi sợ khác nhau, vì vậy việc dạy trẻ lòng dũng cảm bằng thử thách bước qua thảm thủy tinh có thể tạo ra tác dụng ngược khuyến khích sự liều lĩnh ở trẻ em. Xây dựng lòng can đảm cho trẻ không có nghĩa là chúng ta tách riêng phần nhận định, phân tích có tính chất lý trí của chúng, biến sự can đảm với việc làm những điều quái dị, lạ thường. Dũng cảm hay liều lĩnh - không đồng tình, không chấp nhận cũng là những điều mà phụ huynh quan tâm và lo lắng nhất.  
Việc trang bị những kỹ năng sống cho các em nhỏ là điều hết sức cần thiết. Mọi sự đổi mới, mọi cách nhìn mới về giáo dục luôn cần được khuyến khích, trân trọng nhưng chúng ta có nhiều phương án để lựa chọn, nhiều cách tốt hơn để có thể hướng tới mục tiêu trang bị lòng dũng cảm, hay rộng hơn nữa là nâng khả năng thích ứng và sinh tồn cho các em. Từ những việc rất nhỏ, nhưng nếu biết linh hoạt và sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể biến chúng thành những bài học chất lượng dành cho trẻ.

Vì vậy, những người làm giáo dục cần luôn luôn tâm niệm phải hướng tới các em học sinh, các em mới chính là trung tâm của mọi hoạt động đào tạo.  Nếu không giữ trong mình giá trị cốt lõi này, rất có thể chúng ta sẽ sa đà vào kết quả trước mắt và kèm theo đó là những hệ lụy không tốt theo kèm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét