Dạy trẻ tự tin trong giao tiếp

DẠY TRẺ TỰ TIN TRONG GIAO TIẾP
Con cái luôn là tài sản quý giá nhất của các bậc cha mẹ. Họ dồn hết tất cả tình yêu thương, lo lắng, sự quan tâm vào đứa con. Những đứa con trở thành niềm vui ,niềm tự hào hãnh diện của cha mẹ. Chính vì vậy họ luôn mong muốn con cái gặt hái nhiều thành công, tự tin vững bước trong cuộc sống.
Nhưng các con muốn thành đạt thì cần phải có lòng tự tin “Tự tin là điều kiện đầu tiên để làm nên những điều lớn lao”. Vậy cha mẹ cần làm gì để xây dựng lòng tự tin trong con?
Hãy để con chính là con và đừng bao giờ so sánh con với những đứa trẻ khác
Hiện nay, nhiều cha mẹ vẫn hay có thói quen đó là đem con mình so sánh với nhứng đứa trẻ khác. Điều đó là không nên, bởi mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng, có có tính cách riêng, những điểm mạnh, điểm yếu riêng bạn không thể bắt chúng giống nhau. Con bạn không yêu toán, không giỏi các môn tự nhiên nhưng đừng lấy đó để đánh giá con bạn kém cỏi, dốt hơn những đứa trẻ khác vì bé có thể sẽ yêu thích sự lãng mạn nhẹ nhàng trong các môn xã hội nhân văn. Mỗi lần bạn so sánh con như vậy không làm con tiến bộ lên mà ngược lại sẽ cho bé cảm giác tự ti, thấy mình yếu kém, bố mẹ ghét mình, và càng ngày càng mặc cảm với mọi người. Con sẽ thu mình lại trong vỏ bọc không dám thể hiện mình. Vì vậy cha mẹ hãy để con là chính con và đừng bao giờ đem con so sánh hay muốn chúng trở thành khuôn mẫu của những đứa trẻ khác. Điều ấy sẽ giúp bé tự tin hơn trong giao tiếp.
Hãy để bé tự quyết định những lựa chọn của bản thân
Có bao giờ bạn nghe thấy một cuộc đối thoại dạng như “Mẹ ơi con không thích màu áo này, con thấy không phù hợp với con” và sau đó người mẹ sẽ đáp lời “Con mặc vào đi. Mẹ thấy đẹp và rất hợp”. Mẹ Việt có thể từ chối ý kiến của con và cho rằng lời nói của trẻ không đáng tin cậy và không tin tưởng vào con mắt, cảm nhận của một đứa trẻ. Những đứa trẻ nhiều lần bị từ chối và phản đối ý kiến bởi chính bố mẹ mình lâu dần dẫn sẽ mất tự tin và khả năng độc  lập. Là phụ huynh, cha mẹ cần cố găng tin tưởng vào cảm xúc và quan sát của con mình, để ý đến ý kiến cá nhân của trẻ. Khi trẻ muốn thử điều gì, cha mẹ nên cho con cơ hội để làm. Điều đó khiến trẻ có cơ hội để tự tin hơn và khi trao cho con quyền lựa chọn và quyết định sẽ tạo cho trẻ cơ hội được thực hành khả năng tự lựa chọn tự quyết và tự chịu trách nhiệm.
Hãy ở bên cạnh quan sát, động viên con nhưng đừng bao giờ làm thay con
Lần đầu tiên làm việc gì đó các bé sẽ cảm thấy khó khăn kể cả người lớn của chúng ta cũng vậy đều cần người chỉ dẫn từng chút một và bé cũng vậy. Nhưng chỉ dẫn ở đây là chỉ bé cách làm như thế nào chứ không phải là làm thay cho bé. Chỉ cho bé cách làm lần đầu nhưng lần hai, lần ba và những lần sau đó hãy để bé  tự làm dù có vụng về, thậm chí là đổ vỡ nhưng hãy cứ để bé thực hiện. Nhiều cha mẹ thường không đủ kiên nhẫn, quan sát con thấy bé làm chậm chạp liền giành việc làm cho nhanh, và rất nhiều người còn nghĩ giao việc cho bé thà làm luôn cho nhanh và đỡ bực khi bé làm hỏng. Đó là hành động và suy nghĩ sai lầm, khi bạn làm thay cho bé sẽ khiến bé phụ thuộc, ỷ nại vào bố mẹ, việc gì cũng không biết làm  khi gặp chuyện gì sẽ không biết nên làm như thế nào, mềm yếu và nhu nhược trong cách xử lí vấn đề. Vì vậy hãy để trẻ tự làm và luôn động viên, khuyến khích trẻ "Con giỏi lắm", "Con cố lên", "Con làm được mà" những lời khích lệ có giá trị lớn với bé. Nếu bé luôn mặc cảm vì thường gặp thất bại, bạn có thể chỉ cho bé thấy mặt sáng của vấn đề. Khuyến khích bé đưa ra nhiều phương án cho một tình huống và nhấn mạnh với bé về kết quả, ví dụ: “Không sao đâu con, chỉ bị ngã chút thôi mà. Nếu con tập trung hơn, lần sau con có thể tự đạp xe mà không bị ngã nữa”.
Hãy luôn ủng hộ và dạy con học cách phấn đấu theo đuổi ước mơ của mình.
Cha mẹ hãy luôn là người bạn của con lắng nghe con tâm sự, để biết bé nghĩ gì, mơ ước gì cho tương lai. Khi biết được ước mơ của bé hãy giúp bé tiếp thêm động lực, ủng hộ bé bằng cách hướng dẫn cho bé cách đặt mục tiêu, lắng nghe cách bé sẽ làm để đạt mục tiêu đó. Hơn ai hết cha mẹ là người gần gũi với bé nhất nên sẽ biết được đâu là ưu điểm cũng như những nhược điểm để đưa ra nhưng định hướng, lời khuyên tốt nhất cho bé.
Và không ai thành công với mọi thứ trong suốt cả đời. Sẽ có những lúc khó khăn, thất bại, gặp phải những chỉ trích và đau đớn. Hãy xem chúng như những bài học kinh nghiệm hơn là thất bại và thất vọng. Hãy dạy trẻ cách cố gắng và vùng dậy, hơn là dừng lại. Trẻ sẽ dần hiểu ra rằng khó khăn là một phần bình thường của cuộc sống và có thể kiểm soát được.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét