Cách dạy con ngoan

Bạn luôn phải tức giận và la mắng con khi con không làm theo ý mình, bướng bỉnh không nghe lời. Vậy có cách dạy con ngoan nào để có thể khiến những đứa con thân yêu của bạn trở nên ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ không?
Chúng ta không lạ gì với những đòi hỏi của trẻ như việc “con muốn chiếc ô tô này. Con thích siêu nhân. Con thích con búp bê kia…", trẻ thường đưa ra những đòi hỏi của mình và tìm mọi cách để buộc người lớn phải đáp ứng cho chúng, trẻ thường khóc lóc, mè nheo, thậm chí nằm lăn ra đất để bố mẹ chiều theo điều chúng muốn. Trong trường hợp này nhiều bố mẹ phải đầu hàng những đòi hỏi của con để cho yên chuyện mặc dù rất tức giận. Nhưng nếu một lần đầu hàng trẻ thì ngay lập tức sẽ có những lần tiếp theo vì trẻ cho rằng chỉ cần làm như vậy bố mẹ nhất định sẽ đáp ứng theo những gì mình muốn, vô hình bố mẹ tạo cho trẻ một thói quen không tốt. Vậy làm sao để con không đòi hỏi và trở nên ngoan ngoãn?
1. Nguyên tắc về sự nhất quán
Khi thực hiện nguyên tắc này cần một sự bình tĩnh và nhất quán trong câu nói, kiên quyết không được đầu hàng trước trẻ, cách này rất hiệu quả khi con nhỏ hoặc thậm chí cả khi con tuổi teen.
Bình thường bố mẹ hay mắc phải sự sai lầm trong việc chấp nhận những đòi hỏi của trẻ, hoặc chưa thật sự kiên định đến cùng.
Ví dụ:
- Con: Con thích siêu nhân! (gào lên)
- Bố mẹ: Không được, hôm nay mẹ không đem tiền!
- Con: Nhưng con rất thích siêu nhân (khóc)!
- Bố mẹ: Có nghe không, đặt nó xuống, chúng ta đi! (mức độ cáu tăng lên)
- Con: Con thích siêu nhân, con thích siêu nhân! ( nằm lăn ra đất)
- Bố mẹ: Nào, đứng dậy ngay, chúng ta về thôi!
- Con: Không, con muốn siêu nhân cơ!
- Bố mẹ: Thôi được rồi, mẹ sẽ mua! (rất khó chịu)
Như vậy trước những biểu hiện của trẻ bố mẹ đã không thể kiên định đến cùng và đã phải chấp nhận theo ý con để chúng có thể dừng ngay việc đòi hỏi lúc đó. Khi chúng ta trở nên kiên quyết trước những đòi hỏi của con thì sao?
- Con: Con muốn siêu nhân!
- Bố mẹ: Hôm nay chúng ta không mua siêu nhân. (giọng bình tĩnh)
- Con: Nhưng con muốn siêu nhân !
- Bố mẹ: Hôm nay chúng ta không mua siêu nhân (vẫn điềm tĩnh) 
- Con: Con thích siêu nhân, con thích siêu nhân ( nằm lăn ra đất)
- Bố mẹ: Hôm nay chúng ta không mua siêu nhân (vẫn điềm tĩnh) 
- Con: Không, con muốn siêu nhân cơ
- Bố mẹ: Hôm nay chúng ta không mua siêu nhân (vẫn điềm tĩnh) 
Khi thấy việc ăn vạ của mình không được đáp ứng, thậm chí bị phớt lờ đi thì trẻ sẽ hiểu rằng nếu tiếp tục thì cũng chỉ nhận được câu trả lời như vậy và trẻ sẽ không tiếp tục nữa. Qua thời gian thì phương pháp này càng dễ thực hiện hơn vì trẻ biết khi nào trẻ được đáp ứng và khi nào thì không nên sẽ không mè nheo, ăn vạ hay khóc lóc nữa.
2. Tính kỷ luật
Muốn con ngoan thì không thể thiếu tính kỷ luật trong gia đình. Bố mẹ cần đưa ra các nguyên tắc cho trẻ và nếu con vi phạm nguyên tắc thì phải nghiêm khắc chấp nhận hình phạt. Ví dụ con thích chơi ô tô nhưng do tuần này con làm hỏng bình hoa thì bố mẹ có thể phạt con không được chơi ô tô trong 1 tuần.
Khi đưa ra kỷ luật cho con có thể lúc đầu sẽ gặp những khó khăn từ sự chống đối của trẻ nhưng chỉ cần bố mẹ nghiêm khắc thực hiện thì trẻ sẽ nhanh chóng chấp hành các nguyên tắc và trở nên ngoan ngoãn hơn
3. Làm gương cho trẻ
Muốn trẻ trở nên ngoan ngoãn thì người lớn cần làm gương cho trẻ. Một đứa trẻ không thể biết chia sẻ với người khác khi chúng thấy bố mẹ chúng luôn ích kỷ và không biết chia sẻ với người xung quanh, mọi hành động của người lớn trẻ rất dể học theo và làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của trẻ. Vì vậy trước khi dạy trẻ bất kỳ việc gì thì bố mẹ phải là người thực hiện việc đó tốt ngay từ đầu để làm gương cho trẻ.
Bố mẹ không nên nói tục hay có những hành vi xấu trước mặt trẻ vì điều đó sẽ khiến trẻ làm theo. Nếu vô tình bạn làm sai điều gì đó thì bạn nên có lời giải thích để trẻ hiểu và không học theo việc sai trái đó.
Đó là các cách dạy con ngoan mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo để trẻ trở nên ngoan ngoãn, nghe lời. Dạy trẻ ngay từ nhỏ sẽ giúp các phụ huynh điều chỉnh được những hành vi chưa đúng của con, giúp con hoàn thiện nhân cách và phát triển bản thân hài hòa nhât. Do đó các bậc phụ huynh không nên chủ quan vì nghĩ rằng trẻ còn nhỏ nên chưa biết gì, khi trẻ lớn lên sẽ dạy sau, như vậy thì vô tình bạn đã bỏ qua thời gian vàng để uốn nắn hành vi của trẻ và qua giai đoạn này thì việc dạy trẻ ngày càng trở nên khó khăn gấp nhiều lần.
Thanh Thuận

0 nhận xét:

Đăng nhận xét