Những kiến thức đầu tiên cần trang bị cho con để phòng chống xâm hại tình dục

Những kiến thức đầu tiên cần trang bị cho con để phòng chống xâm hại tình dục
Hiện nay, ngày càng nhiều các vụ ấu dâm hay xâm hại tình dục trẻ em xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Vấn nạn này đang trở thành lỗi lo rất lớn cho các cha mẹ đồng thời để lại hậu quả hết sức đau lòng với các con trẻ. Vậy khi nào thì có thể cho con tiếp cận với vấn đề xâm hại tình dục? 
Thực tế rất nhiều các cha mẹ suy nghĩ rằng trẻ mới 2,3 tuổi còn quá non nớt để hiểu về xâm hại tình dục và mình suốt ngày bám sát con, đồng thời các bộ phận sinh dục của con còn quá nhỏ thì khó có thể xảy ra hiện tượng xâm hại. Tuy nhiên các cha mẹ hiện nay rất chủ quan bởi trẻ càng nhỏ thì nhận thức về vấn đề này càng ít, việc tiếp cận các con càng dễ, các con cũng chưa biết cách chia sẻ nếu có xẩy ra hiện tượng xâm hại. Thiết nghĩ ngay từ lúc các con được 2,3 tuổi các cha mẹ đã có thể cho con tiếp cận với vấn đề xâm hại này theo nhiều cách khác nhau, tùy vào khả năng nhận thức của trẻ.
1. Cha mẹ dạy con nhận biết các bộ phận trên cơ thể
Trẻ nhỏ thường rất thích khám phá cơ thể và bản thân, thậm chí chúng còn rất tò mò (cái tò mò này quá khác với sự tò mò của trẻ khi trẻ đến tuổi dậy thì) do trẻ còn rất ngây ngô và khả năng ghi nhớ, ứng dụng thực tế chưa cao.
Trẻ thường có xu hướng bắt chước người lớn chứ chưa thực sự có khái niệm nên các cha mẹ vui lòng không chia sẻ với con thế nào là xâm hại tình dục và ấu dâm mà chỉ giúp con nhận biết các bộ phận riêng tư, sử dụng những từ ngữ phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ như “con đừng cho ai tụt quần ra nhé” hoặc ai mà rủ con vào nhà vệ sinh con có đi theo không”; “đi vệ sinh có đóng cửa không?”
Trong những lúc cha mẹ chăm sóc trẻ, tắm cho trẻ hoặc trong quá trình vui chơi với trẻ cha mẹ có thể chia sẻ với con để con hiểu rằng cơ thể này là của con, những bộ phận này là của con con cần phải tự biết giữ gìn và bảo vệ. Nếu cần sự giúp đỡ của người khác thì con có thể nhờ ai và nhờ như thế nào?
Một phương pháp hiệu quả nhất là cha mẹ có thể dạy con cách con tự vệ sinh cá nhân càng sớm càng tốt, đồng thời hướng dẫn trẻ khi đi vệ sinh cần đóng cửa, không đi vệ sinh chung, không để cho người khác có thể nhìn thấy các bộ phận trên cơ thể của mình. Những ai vô tình hoặc cố ý chạm vào cơ thể con con cần phải đề phòng và có phản ứng ngay.
Cha mẹ có thể luyện cho con các phản xạ và hình thành thói quen phản xạ lại những khi có người khác chạm vào người để con không bỡ ngỡ cũng như lúng túng khi gặp phải những tình huống đó.
2. Cha mẹ dạy con giữ khoảng cách với người khác
Điều này các cha mẹ sẽ cho rằng rất khó để thực hiện, bởi các con nhỏ rất đáng yêu, thích được gần gũi, quan tâm, những người lớn (không chỉ là người thân) cũng dễ có những hành động gần gũi hoặc động chạm vào cơ thể trẻ do việc thể hiện bằng giao tiếp (lời nói) chưa khiến trẻ ấn tượng và ghi nhớ được.
Đồng thời cha mẹ đôi khi vì phép lịch sự (nghĩ người ta có yêu có quý con mình, con mình có đáng yêu…thì người ta mới nựng con), có cha mẹ còn khuyến khích trẻ gần gũi với người khác mà chưa quan tâm đến cảm nhận của trẻ. Tuy nhiên, các cha mẹ có thể cho con quyền để lựa chọn bằng cách thay vì nói: “ con ra thơm bà nào” thì hãy nói: con có muốn thơm tạm biệt bà không?” Điều này sẽ giúp trẻ hiểu được rằng con có quyền được lựa chọn chứ không phải đó là qui định, mệnh lệnh và con bắt buộc phải thực hiện theo. Cha mẹ có thể hỏi cảm xúc của trẻ sau đó chia sẻ với con về việc có nên hay không và nếu con không thích con có thể từ chối như thế nào để không khiến người khác phật ý.
3. Cha mẹ dạy bé nhận diện người xấu, người tốt
Trong sinh hoạt hằng ngày cha mẹ có thể đưa ra cho trẻ nhận diện những người tốt, người xấu, những người đáng tin và có thể nhờ cậy được trong những tình huống trẻ gặp nguy hiểm, Cha mẹ hãy cho con nhận biết rõ những hành vi nào là hành vi xấu cần phải cảnh giác và tránh xa. Điều đặc biệt nhất trong lứa tuổi trẻ còn nhỏ đó là giúp trẻ phân biệt đâu là trò chơi, đâu là thật bởi những người xấu thường lợi dụng tâm lý rủ trẻ chơi trò chơi hoặc tạo ra bí mật để trẻ tò mò, dụ dỗ bằng những đồ ăn, đồ chơi trẻ thích sau đó yêu cầu trẻ thực hiện theo những điều họ muốn.
4. Chia sẻ tâm sự thường xuyên với trẻ
Cha mẹ hãy thường xuyên chia sẻ, nói chuyện với con hằng ngày để con có thói quen trao đổi với cha mẹ đồng thời cha mẹ có thể kịp thời phát hiện ra điều khác biệt ở trẻ. Trước khi đi đến đâu, gặp ai hay quan sát thấy hành vi của ai cha mẹ đều nói chuyện và chia sẻ với con để con hiểu và nắm bắt được vấn đề, con không bị bỡ ngỡ cũng như hiểu rõ về đối tượng con gặp con sẽ tự tin hơn. Không chỉ vậy, việc nói chuyện chia sẻ thường xuyên với con sẽ hình thành cho con thói quen tâm sự, kể cho cha mẹ nghe những gì đang xảy ra với trẻ để cha mẹ nắm bắt tình hình và kịp thời can thiệp. Cha mẹ nên nói chuyện với con bằng cảm xúc để con cũng chia sẻ bằng chính cảm xúc của mình. Cha mẹ chúng ta thường có thói quen chi hay hỏi những điều khiến con vui, con hào hứng trong ngày chứ rất ít khi hỏi con về những điều khiến cho con buồn, con sợ hãi. Cha mẹ hãy chia sẻ để trẻ hiểu về những bí mật xâu và những bí mật tốt nữa nhé.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét