Mẹ cần làm gì khi biết điểm thi giữa kỳ của con được 7 điểm

Mẹ cần làm gì khi biết điểm thi giữa kỳ của con được 7 điểm
Các cụ vẫn có câu: “Học tài thi phận”, nên giữa thực lực của con và kết quả con đạt được thường không khớp với nhau. Chị Hương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện này khi con gái vừa kết thúc đợt thi kiểm tra giữa kỳ học kỳ 2.
Con gái chị Hương vốn là một cô bé thông minh, học giỏi và đang học tại một trường THCS điểm tại Hà Nội. Anh, chị đều là công chức nhà nước nhưng cũng khá đầu tư cho để con mình có một môi trường sống và học tập tốt nhất. Mặc dù, nhà trường đã gửi kết quả thi học kỳ 2 qua email cho phụ huynh, chị biết kết quả này của con sẽ khiến con gái không vui vì từ những năm tiểu học con gái chị luôn là học sinh tiểu biểu và đứng trong top đầu của lớp. Nên chị đã bấm bụng không nhắc lại để khiến con không vui, nhưng vì thương con, hiểu tính cách của con nên chị lại phải loay hoay tìm giải pháp "cứu vãn".
Bình thường vào tối thứ 6 cuối tuần con gái rất hớn hở nhưng tuần này chị Hương lại không thấy con như vậy. Con gái đón mẹ bằng khuôn mặt buồn rầu, dáng vẻ uể oải cùng lời chào cũng yếu ớt. Mặc dù đã biết trước, nhưng chị Hương vẫn hỏi con nhẹ nhàng như mọi ngày: Hôm nay học thế nào? Ở trường có gì mới không con? Mẹ thấy cô giáo thông báo con được 7 điểm môn Văn, đó là điểm gì vậy con? Giọng con gái có vẻ nghèn nghẹn trả lời chị: Điểm thi giữa kỳ hai mẹ ạ! Chị Hương chưa kịp nói gì đã thấy con gái rất hùng hổ nói: Con phải gặp cô để tìm lý do vì sao bài của con đủ ý giống một bạn trong lớp nhưng con được 7 điểm còn bạn lại được 9 điểm. Chỉ khác là hai cô chấm khác nhau thôi mẹ ạ. Giọng như mếu máo, khóe mắt lại đỏ hoe con gái chị Hương kể lại tâm trạng khi sáng được cô giáo thông báo điểm, sau đó đến việc vì buồn quá con đã bỏ cả xuất cơm ở trường...
Chị Hương nghe con kể cũng cảm thấy khóe mắt cay cay, nhưng chị chợt thấy vui vì con gái cũng rất có trách nhiệm với việc học của mình. Tuy nhiên, con có vẻ nặng về điểm số nên chị phải xoa dịu: Văn còn phụ thuộc vào gu người chấm nữa con ạ. Có thể cô giáo chấm bài con đòi hỏi cao hơn, yêu cầu cảm thụ văn tốt hơn nữa nên con cũng coi đây là một lần học để rút kinh nghiệm con gái ạ. Tuy nhiên, con gái vẫn quả quyết: Con vẫn sẽ phải trao đổi với cô để biết lý do vì sao? Nếu cần thiết con sẽ làm đơn phúc khảo. Rồi con từ chối mọi sự can thiệp của chị, mà muốn tự mình đi tìm đúng - sai. Qua đó, chị Hương cũng nhận thấy đây là một lựa chọn đúng của con cho dù sẽ không được như mong muốn nhưng con sẽ biết cách đối mặt với thất bại.
Qua câu chuyện của mẹ con chị Hương chúng ta có thể nhận thấy, cha mẹ nên là điểm tựa vững chắc cho con, cùng con chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong học tập. Đồng thời, ngay từ khi con còn bé cha mẹ nên hướng con, để cho con nói lên suy nghĩ của bản thân, được thể hiện điều mình cần làm. Cha mẹ cũng phải tôn trọng những ý kiến của con đưa ra, không gây áp lực cho con và hướng con đến những thói quen tích cực trong cuộc sống. Để sau này, nếu con có gặp bất cứ việc gì khó khăn con cũng sẽ tự đứng lên. Và hy vọng hôm nay đến lớp, con quên “điểm 7” để bước tiếp...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét